Mỗi ngày hãy tưới thứ nước này vào gốc mai, hoa nở đúng dịp Tết Nguyên Đán, khoe sắc cả tháng không tàn

Theo kinh nghiệm của những người trồng mai lâu năm, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thời gian cây nở hoa như nhiệt độ, chất dinh dưỡng,…

Ngoài hoa đào, chậu quất thì hoa mai là một trong những loại cây cảnh không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán, nhất là ở khu vực miền Nam. Tuy nhiên, để hoa mai nở nhiều, nở đúng dịp Tết Nguyên Đán thì không phải ai cũng biết cách.

Theo kinh nghiệm của những người trồng mai lâu năm, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới thời gian cây nở hoa như nhiệt độ, chất dinh dưỡng,… Để hoa mai nở đúng dịp Tết Nguyên Đán, nở to và đẹp thì bạn nên tưới nước ấm cho cây mai mỗi ngày.

Cụ thể, hãy pha nước theo tỷ lệ 2 sôi : 3 lạnh rồi cho vào bình phun, phun lên từng tán cây. Nhiệt độ của nước sẽ kích thích nụ mai bung vỏ trấu để nở đúng dịp Tết.

Với những vùng có thời tiết lạnh như vùng cao, bạn nên tưới nước ấm vào thẳng gốc cây. Ngày có thể tưới 2 lần, nhưng phải đảm bảo chậu mai có lỗ thoát nước tốt. Đồng thời nên tránh tưới quá nhiều kẻo khiến cây bị ngập úng.

Ngoài cách tưới nước ấm kích thích cây mai nở hoa, bạn nên áp dụng thêm những cách sau:

– Nhặt lá mai

Để hoa mai để bung đúng dịp Tết, hãy nhặt lá mai trong một lần. Thời gian nhặt lá mai thường bắt đầu trước Tết khoảng 15 – 20 ngày.

Nhưng, tùy vào từng vùng với đặc trưng khí hậu khác nhau mà thời điểm vặt lá sẽ có sự chênh lệch. Ví dụ như những nơi có khí hậu ấm áp thì nên vặt lá từ ngày 14 – 15 tháng 12 âm lịch, tức trước Tết khoảng 15 ngày. Với những vùng có khí hậu nắng nóng, nên vặt lá từ 19 – 20 tháng 12 âm lịch, tức trước Tết khoảng 10 ngày.

Những vùng mưa, khí hậu se lạnh, nên nhặt lá từ ngày 1 – 10 tháng 12 âm lịch, tức trước Tết 20 – 30 ngày. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh sẽ khiến hoa mai nở chậm hơn bình thường, nhặt lá sớm sẽ kích thích nụ hoa nở sớm hơn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể quan sát sự phát triển của nụ hoa để lựa chọn thời điểm phù hợp để nhặt lá mai. Ví dụ, nếu nụ hoa có hình tròn và có 2-3 vỏ trấu bên ngoài, nên nhặt lá trước Tết khoảng 14 ngày. Nếu nụ hoa mai có hình thoi, nhọn, có 3 – 4 vỏ trấu, nên tuốt lá càng sớm càng tốt, ít nhất là 15 ngày trước Tết.

Lưu ý, nên ngừng tưới nước cho cây trước khi vặt lá khoảng 1-3 ngày. Khi thấy lá bắt đầu nổi gân thì mới tiến hành vặt lá.

Mỗi ngày hãy tưới thứ này vào gốc mai, hoa nở đúng dịp Tết Nguyên Đán, khoe sắc cả tháng không tàn - 3

– Đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây

Sau khi vặt sạch lá trên cây mai, bạn nên tưới đẫm nước đồng thời bón bổ sung thêm phân NPK cho cây. Hãy pha phân NPK với nước theo tỷ lệ 10g phân : 8 lít nước. Hòa tan hỗn hợp rồi tưới cho cây mai khoảng 5 ngày một lần. Hoặc, bạn có thể bón phân trùn quế pha loãng cho cây.

Khoảng ngày 23/12 âm lịch, nụ hoa mai sẽ bung trấu. Lúc này, hãy sử dụng phân NPK 6 – 30 – 30 để tưới cho cây mai.

Mỗi ngày hãy tưới thứ này vào gốc mai, hoa nở đúng dịp Tết Nguyên Đán, khoe sắc cả tháng không tàn - 4

– Đảm bảo cây nhận đủ ánh sáng

Bạn nên đặt cây mai ở nơi có nhiều ánh nắng, như vậy cây sẽ sớm nở hơn. Nếu trời không có nắng, thời tiết lạnh, mỗi ngày hãy thắp bóng đèn dây tóc ở khu vực trồng mai từ 7 – 8 giờ tối đến sáng. Nhiệt độ của bóng đèn sẽ giúp mai nở đều, đẹp và đúng dịp Tết Nguyên Đán.

Với những chậu mai nở sớm, hãy đặt cây ở nơi râm mát, tránh ánh nắng mặt trời kẻo hoa nhanh tàn.

Nếu hoa mai đã nở và đưa vào trong nhà để trưng, muốn hoa mai nở lâu, chơi được cả tháng thì bạn nên tránh đặt chậu cây gần quạt, điều hòa, gần bóng đèn quá nóng, nếu không cây sẽ bị héo, khô và chóng tàn.