Đến với nhau bằng sự sắp xếp của gia đình, ông Nam và bà Bình có với nhau hai cô con gái và một cậu con trai. Cả ba đứa con của ông bà đều không học hết lớp 12. Phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần vì ông bà quan niệm: ruộng đất nhiều, chỉ cần chăm chỉ thì không bao giờ lo đói, cần gì phải học nhiều, học xong rồi thì cũng đi làm thuê mà thôi.
Quanh năm làm lụng vất vả, nhưng gia đình ông Nam cũng chỉ đủ ăn. Hai cô con gái lớn được gả chồng ở làng bên, còn cậu con trai út, ngoài lúc nông nhàn theo ông Nam đi phụ hồ. Cuộc sống gia đình ông cứ thế trôi qua bình yên, nếu như không có chuyện của Tín, cậu con trai út xảy ra. Vốn hiền lành, chăm chỉ, nghe lời cha mẹ, quanh năm Tín cũng chỉ ở trong cái làng bé nhỏ, chẳng đi đến đâu. Ngày theo cha đi phụ hồ, tối về khi thì ở nhà xem TV, khi thì giao lưu văn hóa văn nghệ với đoàn thanh niên trong làng. Như bao chàng trai mới lớn khác, Tín bắt đầu biết để ý đến người khác giới. Đó là Hiền, ít hơn Tín một tuổi, người cùng làng. Hiền là một cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn, vừa học xong lớp 12, chỉ ở nhà phụ giúp mẹ trông cửa hàng tạp hóa. Hiền được nhiều trai làng săn đón, nhưng cô chỉ để ý đến Tín, vì Tín hiền lành và cũng rất ưa nhìn.
Cùng giao lưu trong đoàn thanh niên, hai bạn trẻ càng có nhiều thời gian tiếp xúc, tìm hiểu và yêu nhau từ lúc nào không biết. Khi tình cảm của Tín và Hiền đã đến lúc sâu đậm thì cũng là lúc bố mẹ hai bên biết chuyện. Thế nhưng, sự đời lại chéo ngoe, bố Tín một mực cấm cản vì trước đó hai gia đình đã có hiềm khích với nhau về chuyện tranh chấp đất đai.
Ảnh minh họa: Internet
Không vì thế mà Tín và Hiền chia tay nhau theo lời của người lớn. Điều này làm cho ông Tín vô cùng tức giận, tìm cách nói chuyện với nhà Hiền, hai bên xảy ra cự cãi và càng làm cho mối quan hệ trở nên căng thẳng hơn. Gia đình Hiền cũng phản đối quyết liệt, và thề rằng không bao giờ gả con gái cho gia đình ông Nam. Mặt khác, mẹ Hiền đã bí mật nhờ người anh em giới thiệu cho cô một mối ở trên thị xã. Chỉ sau đó vài tháng, Hiền cũng nghe theo lời cha mẹ đi lấy chồng. Và đám cưới diễn ra sau đó. Tín vì thế mà ốm liệt giường, không thiết ăn uống và làm việc gì. Ông Nam rất giận con, nhưng thấy vậy cũng hết sức đau lòng. Một hôm, khi ông bà Nam vừa ra khỏi nhà thì có người chạy ra đồng báo tin thằng Tín uống thuốc tự tử. Ông bà N tức tốc chạy về đưa con đi cấp cứu. May là Tín chỉ phải rửa ruột, không ảnh hưởng tới tính mạng.
Câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở đó. Nhưng từ khi ở bệnh xá về, Tín như người mất hồn, có hôm người ta còn bắt gặp cậu đi lủi thủi, ánh mắt vô hồn trong buổi chiều nhá nhem, có khi lại chạy hùng hục la hét. Ông bà Nam hết sức lo lắng, đưa Tín đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình cũng chẳng thuyên giảm. Ông nghe một vài người tìm thầy bói về để làm lễ giải hạn cho con. Nhưng bệnh tình của Tín ngày càng nặng hơn.
Có người ác mồm gọi Tín mắc bệnh “rồ tình”, có người hiểu biết hơn thì nói rằng cú sốc lớn quá, sang trấn tinh thần khiến cho đầu óc của nó mụ mị.
Ông thầy bói cao tay cũng không làm bệnh tình của con trai khá hơn, ông tìm đến thầy lang cắt thuốc cũng chẳng ăn thua. Rồi một ngày, có người bày cho ông cách “bệnh về tình thì phải chữa bằng tình…”. Cực chẳng đã, ông đành gõ cửa tìm đến mấy nhà nghỉ trên phố huyện. Ông thỏa thuận với một cô tiếp viên ở đó, hãy làm cho con trai của tôi vui vẻ, hãy làm cho nó trở nên yêu đời như trước.
Về phần Tín, lúc này bệnh tình đã quá nặng, dường như không còn ý thức được bản thân, Tín cứ đi lang thang, cười cười nói nói một mình. Một buổi tối, ông Nam dẫn cô tiếp viên về cho con trai, nhưng khi bước vào phòng ngủ, cô gái kêu thất thanh và “chạy mất dép” vì Tín phản ứng rất đáng sợ. Từ đó, ông Nam cũng từ bỏ luôn cái ý định điên rồ này.
Khuôn mặt già nua thất thần, không giấu nổi sự chua xót và ân hận, ông thầm nghĩ: giá như, giá như không cấm cản chúng nó đến với nhau thì biết đâu bây giờ thằng T đã không bị tâm bệnh như vậy. Biết đâu bây giờ Tín và Hiền đã làm đám cưới, và biết đâu ông đã có đứa cháu nội thật đáng yêu. Rồi sau này bệnh tình của con trai có thuyên giảm không. Càng nghĩ ông càng thấy không thể tha thứ cho chính bản thân mình, chỉ vì sự ích kỷ mà ông đã đẩy cuộc đời của con trai trở nên tối tăm và làm trò để cho người đời cười chê.
Nhiều cha mẹ vì yêu thương mà sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để dành cho con cái những điều tốt đẹp nhất. Nhưng ngược lại, có những bậc cha mẹ vì cố chấp, vì sự ích kỷ cá nhân đã vô tình đẩy con cái đến bước đường cùng, để rồi khi hậu quả xảy ra thì họ mới bừng tỉnh và ân hận thì đã quá muộn.