Khi năm học cũ còn chưa kết thúc, nhiều phụ huynh đã sốt sắng tìm lớp học thêm tiền tiểu học với hy vọng con không bị hụt hơi ngay từ lớp một.
Có con 5 tuổi, tháng 9 năm nay sẽ bước vào lớp một, chị Lê Bình (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết ngay từ khi Tết xong, chị chạy đôn chạy đáo tìm cô giáo dạy thêm tiền tiểu học cho con.
“Tham gia học từ tháng 3 và đến đầu tháng 8 này, con trai tôi sẽ hoàn thành khóa tiền tiểu học. Cô giáo cam kết, học xong con sẽ đọc, viết thành thạo”, chị Bình tâm sự.
Chia sẻ về lý do sốt sắng tìm lớp học tiền tiểu học cho con từ sớm, chị Bình cho biết được cảnh báo trước từ trường hợp của cháu trai.
Năm ngoái, cháu trai chị chuẩn bị lên lớp một, cả gia đình cân nhắc mãi việc có nên cho cháu đi học tiền tiểu học không nhưng rồi quyết định cho cháu ở nhà. Tuy nhiên, khi vào lớp một, cháu tỏ ra hụt hơi khi các bạn trong lớp đã đọc vanh vách cũng như làm thoăn thoắt bài tập được giao.
Không chỉ cháu lo lắng, tự ti với bạn bè mà ngay cả gia đình cũng trở nên lo lắng khi cô giáo vài lần trao đổi cháu cần được kèm cặp nhiều hơn để theo kịp cả lớp.
Lo lắng con không theo kịp chương trình lớp 1, nhiều phụ huynh đăng ký cho con học trước chương trình (Ảnh minh họa: AI)
Cùng tâm trạng với chị Bình, sợ con không theo kịp chương trình lớp một, chị Đỗ Thu Thủy (huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng đăng ký cho con học thêm tiền tiểu học với giá 100.000 đồng/buổi.
“Ban ngày con đi học tại trường mầm non, chiều tối về đi học thêm lớp tiền tiểu học. Hiện tại, con đang học thêm 2 buổi/tuần và cô có gửi thêm bài tập về nhà để con luyện viết, tập đọc chữ cái và số”, chị Thủy chia sẻ.
Nắm bắt được tâm lý sốt sắng của phụ huynh, trên mạng xã hội, các bài viết tuyển sinh lớp học thêm tiền tiểu học cũng nở rộ trong các hội nhóm phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp một.
Mỗi khóa học dao động từ 100.000 đến 250.000/buổi tùy thuộc nội dung và cam kết chỉ nhận 5 đến 7 học sinh/lớp để đảm bảo chất lượng. Phụ huynh chỉ cần để lại số điện thoại, sẽ có người ngay tức khắc tư vấn, gửi thông tin về chương trình lớp học và khuyến mại buổi học thử.
Như vậy, để đăng ký một khóa tiền tiểu học, số tiền phụ huynh phải chi trả không hề nhỏ. Hình thức của các lớp tiền tiểu học thực chất là dạy trước chương trình lớp một như: dạy trẻ biết đọc, viết luyện chữ và tính toán.
Phụ huynh không nên “ép chín” trẻ
Nói về tình trạng học sinh mẫu giáo nhất định phải tham gia lớp học thêm tiền tiểu học, cô Bùi Ngọc Hân, Hiệu trưởng trường Mầm non Trác Văn (Duy Tiên, Hà Nam) cho biết, phụ huynh đang lo lắng thái quá, việc học trước chương trình lớp một là không cần thiết. Bởi ngay trong chương trình giáo dục mầm non đã có kế hoạch, mục tiêu cụ thể về việc chuẩn bị tâm thế, điều kiện để trẻ vào học tốt ở lớp một.
Tại trường mầm non, trẻ từ 3 tuổi sẽ được làm quen với sách tạo hình. Lên 4 tuổi, trẻ được tập vẽ, tập tô các nét ngang, nét cong, nét hở… nét cơ bản tạo nên con số và chữ. Đến 5 tuổi, khi nhận thức phát triển hơn, trẻ được học về 29 chữ cái và 10 con số. Do vậy, phụ huynh nên để trẻ phát triển đúng độ tuổi, không nên “ép chín”, bắt trẻ học thêm quá sớm.
Trẻ có thể trở nên chán nản, uể oải nếu bị ép học trước chương trình (Ảnh minh họa: AI).
Thực tế, trẻ mầm non chưa có được sự chú ý cao, nếu dạy trước chương trình sẽ dẫn đến tình trạng chủ quan trong học tập. Khi vào lớp một, học lại những điều đã biết, trẻ sẽ trở nên thiếu tập trung, chú ý. Từ đó, hình thành thói quen không tốt, lơ đễnh, thiếu tập trung khi cô giáo giảng bài. Điều này sẽ gây bất cập cho việc học tập lâu dài ở lớp một và các lớp tiếp theo.
Hơn nữa, nếu tham gia lớp tiền tiểu học, trẻ sẽ phải đi học buổi tối hoặc vào thứ bảy, chủ nhật. Vì các ngày trong tuần, sáng và chiều trẻ học tại trường mầm non. Điều này sẽ khiến trẻ mệt và có thể sẽ sợ học, không hào hứng khi đến môi trường mới.
Cô Hân cũng lưu ý, học tập tốt hay kém khi bước vào tiểu học, không liên quan đến việc phụ huynh có cho con đi học lớp tiền tiểu học hay không. Bởi khả năng học tập của mỗi trẻ là khác nhau.
“Điều quan trọng nhất khi trẻ vào lớp một là sự đồng hành của bố mẹ. Thay vì cho con đi học trước chương trình, bố mẹ nên là người đồng hành và chuẩn bị cho trẻ các kỹ năng cơ bản như: kỹ năng tự phục vụ, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm, thói quen ngồi học nghiêm túc….để trẻ vững tin vào lớp một”, cô Hân đưa ra lời khuyên.
Đồng quan điểm với cô Hân, cô giáo Đỗ Thị Hương Giang, giáo viên trường Tiểu học Nghĩa Dũng (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, thời gian đầu mới vào lớp một, trẻ luôn cần có sự đồng hành từ bố mẹ.
“Đa phần học sinh lớp một, các con còn mải chơi, thiếu sự tập trung, kiên nhẫn và tính bền bỉ. Cha mẹ nên là người đồng hành với con trong những buổi tối đầu tiên khi vào lớp một. Bởi trẻ sẽ không thể tự viết bài, làm bài nghiêm túc nếu không có sự giám sát từ người lớn. Trên lớp có thầy, cô giáo hỗ trợ còn về nhà con cần có sự quan tâm từ bố mẹ”, cô Giang cho biết.
Học thêm tiền tiểu học không chỉ diễn ra các thành phố lớn mà dần xuất hiện ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, học thêm tiền tiểu học xuất phát từ nhu cầu cá nhân, tâm lý lo lắng của phụ huynh hơn là nhu cầu thật của con trẻ. Vậy nên, các phụ huynh nên cân nhắc thật kỹ trước khi cho con tham gia.