Hình ảnh Lữ Bố được ca ngợi trong tác phẩm Tam Quốc diễn nghĩa nhưng thực tế, sử liệu chính thức cho thấy ông không có tài nghệ hiển hách như vậy.
Lữ Bố (160-199) là mãnh tướng nổi tiếng cuối thời Đông Hán. Ông xuất thân bình dân trong thời đại coi trọng quý tộc, nhờ sức lực hơn người nên được thứ sử Tinh Châu là Đinh Nguyên trọng dụng. Tuy nhiên, Đổng Trác, người muốn thâu tóm binh quyền của Đinh Nguyên, đã xúi giục Lữ Bố phản bội, giết chết Đinh Nguyên.
Lữ Bố đi theo Đổng Trác, thăng quan tiến chức, được phong hầu. Nhưng Lữ Bố lại nghe người khác xúi giục, nhân danh vua Hán giết Đổng Trác.
Sau này, Lữ Bố cố thủ ở thành Hạ Bì, bị quân Tào Tháo vây đánh nhiều tháng. Hai thủ hạ của Lữ Bố làm phản, mở cửa thành cho quân Tào vào. Lữ Bố bị Tào Tháo sai quân đem trói, thắt cổ chặt đầu.
Tam Quốc diễn nghĩa là tiểu thuyết dã sử được nhà văn La Quán Trung viết vào thế kỷ 14, kể về thời Tam Quốc (190-280) theo phương pháp 7 phần thực tế, 3 phần hư cấu. Do đó, tác phẩm có nhiều điểm khác biệt so với Tam Quốc chí, sử liệu chính thức được biên soạn vào thế kỷ thứ 3. Tiểu thuyết này là một trong Tứ đại danh tác của văn học Trung Quốc.