Giận mẹ chồng vì từ chối lên thành phố trông cháu nội mà chỉ gửi 1 hộp trứng gà, tôi mở ra thì ân hận

Chị Hạnh Dung thân mến,

Em và chồng mới có con đầu lòng. Bé em gần 6 tháng rồi, chỉ còn 2 tuần nữa là em phải quay trở lại với công việc. Thế nhưng em và chồng vẫn chưa biết làm sao với con.

Gửi cháu thì em sợ cháu còn nhỏ quá và thể lực cháu rất yếu, em sợ nhà trẻ không thể nào trông cháu được tốt. Mẹ em thì còn đi làm, nhưng mẹ chồng em thì đã nghỉ hưu. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng bà còn sức khỏe, nên hiện đang đi làm thêm cho 1 người bạn với vị trí công việc cũng nhẹ nhàng và mức thù lao không cao lắm, chủ yếu là để vui.

Chồng em bàn với em là sao không nhờ mẹ anh về trông cháu giùm, đưa tiền bồi dưỡng cho mẹ giống như khi mẹ đi làm cho người ta. Con mình vừa được chăm sóc tốt, mẹ vẫn có thu nhập và công việc cho khỏi buồn. Hơn nữa, lúc trước mẹ cũng làm ở trường mầm non, nên bà cũng có kinh nghiệm với trẻ.

Em nghe chồng em bàn thì cũng hợp lý, nhưng vẫn ngại ngùng, chưa biết mở lời với mẹ chồng ra sao, vì làm thế thì có khác gì coi mẹ là người giúp việc. Nói ra mà mẹ không đồng ý thì sẽ rất phiền.

Thế nhưng khi mẹ em nghe vậy thì bà cản, bà nói rằng thà bỏ tiền ra thuê người ngoài rồi dùng camera giám sát, còn hơn là thuê mẹ chồng. Có gì không ưng ý thì không nói thẳng được với nhau. Mà đã thế, vừa tốn tiền, vừa lại phải chịu ơn nghĩa rất mệt mỏi. Đến khi mẹ kêu ca gì thì mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu khó tránh…

Mẹ em còn bảo nếu mẹ chồng đến nhà em ở thì bà sẽ không thuận tiện qua thăm cháu ngoại… Em nghe mẹ em bàn thấy cũng đúng, mà chồng em bàn cũng đúng. Không biết nên chọn lựa cách nào cho tốt hơn. Xin chị Hạnh Dung cho lời khuyên.

Thanh Nga

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

Bạn Thanh Nga thân mến,

Quả thật là không còn gì có thể an tâm và tin tưởng hơn (về độ an toàn cho con trẻ) khi giao con mình cho bà nội hay bà ngoại trông để đi làm suốt cả ngày. Nhất là khi cứ lâu lâu lại rộ lên những thông tin về việc bảo mẫu, người giữ trẻ bạo hành con trẻ, hay bất cẩn trong việc chăm sóc, cho ăn… dẫn đến những tai nạn đau lòng.

Tuy nhiên, như người ta thường nói, vấn đề nào cũng có những chuyện “lợi bất cập hại”. Mà cái hại rõ ràng nhất thì ngay chính mẹ bạn cũng nhìn ra ngay lập tức: đó là những mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu trong vấn đề chăm sóc con nhỏ.

Những kiến thức, hiểu biết, kinh nghiệm khác nhau của 2 thế hệ, thậm chí 2 nếp sống… sẽ nảy sinh những vấn đề không dễ giải quyết, khi chỉ cần một bên quá cố chấp, hay một bên thiếu khéo léo, tế nhị trong trao đổi với nhau. Để rồi thành cùng yêu thương cháu – con, cùng lo cho cháu – con mà lại thành giận hờn với nhau.

Nhiều người cho rằng, các gia đình trẻ nên tự mình lo cho con mình, bớt nhờ vả vào ông bà là tốt nhất. Để làm được như vậy, ngay từ khi có kế hoạch sinh con, họ đã phải chuẩn bị cả về tinh thần lẫn vật chất, để có thời gian nhiều nhất dành cho con trước khi gửi con đi học, khi mà con cần được lớn lên trong môi trường có bạn bè, thầy cô để phát triển toàn diện.

Trường hợp nhờ vào cha mẹ, hay nói đúng hơn là nhờ vào bà nội hay bà ngoại, thì họ phải hoàn toàn tự nguyện, vui thích với điều đó, họ phải có sức khỏe thật tốt và có kinh nghiệm, hiểu biết để chăm trẻ. Vấn đề tiền bạc trả cho mẹ trong những trường hợp thế này cũng hết sức tế nhị, nó phải tùy tâm tính của người trao và người nhận nữa, bạn ạ.

Có nhiều gia đình chọn lựa cách mà họ thấy tối ưu nhất: vẫn thuê người giúp việc, nhưng nhờ mẹ giám sát người giúp việc, chỉ dẫn họ, cùng họ chăm sóc cháu. Cách này giúp cho cha mẹ được an tâm nhiều nhất, con cái được an toàn mà mẹ già không quá mệt mỏi.

Thế nhưng, nó lại đòi hỏi nhà có điều kiện hơn rất nhiều, vì nó đòi hỏi cả tiền bạc đến sự thoải mái, rộng rãi của nhà cửa, để có thể có thêm người mà không bị ngộp thở, chật chội. Để có thể có tiền trả người giúp việc mà cũng có thêm tiền cho mẹ bồi dưỡng sức khỏe. Tuy nhiên, giai đoạn cần thiết này không quá kéo dài, có khi chỉ 6 tháng đến 1 năm, nên nếu cả nhà có thể bàn bạc, thống nhất với nhau được, thì đó vẫn là phương án tối ưu.

Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà cảnh. Quan trọng là chọn được điều gì phù hợp nhất với mọi điều kiện của gia đình và khi chọn rồi thì nên có những bàn bạc, quy định, thống nhất với nhau, để không phát sinh mâu thuẫn. Nếu ai cũng hiểu cho nhau, vì nhau, và vì con cháu, chắc mọi việc cũng sẽ được nhẹ nhàng hơn.