Bố mẹ chồng yêu cầu chu cấp hàng tháng
Tôi và chồng cưới nhau được mười năm. Cả 2 cùng ở nông thôn ra thành phố học tập và đi làm rồi gặp nhau. Sau khi cưới, chúng tôi định cư ở thành phố này. Vì kinh tế còn khó khăn, chúng tôi thuê một căn nhà trọ và cùng nhau phấn đấu.
Gia đình hai bên không giàu có, anh lại là con trai duy nhất của bố mẹ chồng. Gia đình chồng có phần khó khăn kinh tế hơn. Nếu không thực sự yêu chồng, tôi sẽ không bao giờ chọn gả vào một gia đình như vậy.
Tuy nhiên, sau khi cưới 1 năm, bố mẹ chồng tôi đề nghị, mỗi tháng 2 vợ chồng biếu bố mẹ 1.000 NDT (khoảng 3,5 triệu đồng) để trang trải sinh hoạt phí. Tôi rất bất ngờ vì yêu cầu này của gia đình chồng. Vì lúc đó, 2 vợ chồng tôi có tổng thu nhập chỉ 5.000 NDT mà sinh hoạt phí ở thành phố khá đắt đỏ. Ngoài chi tiêu cho cuộc sống, chúng tôi vẫn còn tiền thuê nhà, rồi kế hoạch sinh con. Nếu trích 1/5 thu nhập để gửi cho bố mẹ chồng thì áp lực kinh tế cũng khá lớn.
Tuy nhiên, dù chúng tôi có giải thích như thế nào đi chăng nữa, bố mẹ chồng vẫn kiên quyết yêu cầu. Họ còn nói rằng, chồng tôi là con trai duy nhất, vì thế cần có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ.
Tôi rất ấm ức trước yêu cầu của gia đình chồng. Bởi bố mẹ chồng khi đó vẫn có sức khỏe tốt. Dù kinh tế không quá dư giả, nhưng chắc chắn họ có khả năng tự nuôi sống bản thân. Vậy tại sao họ nhất quyết yêu cầu vợ chồng tôi phải gửi tiền về quê phụng dưỡng?
Điều này khiến tôi và chồng mâu thuẫn và căng thẳng với nhau. Tuy nhiên, sau một hồi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi vẫn quyết định trích tiền lương để gửi về phụng dưỡng bố mẹ chồng theo yêu cầu. Tuy vậy, trong lòng tôi vẫn không thôi ấm ức. Sau này, mỗi dịp lễ tết về quê, tôi không cho chồng mua quà cáp đắt tiền. Bởi dù sao chúng tôi cũng đã gửi tiền phụng dưỡng hàng tháng cho bố mẹ.
10 năm sau khiến các con ngỡ ngàng
Chớp mắt đã gần 10 năm trôi qua, giá nhà đất tăng chóng mặt. Cuộc sống gia đình dần ổn định, vợ chồng tôi cuối cùng cũng không thể chịu mãi cảnh đi thuê nhà. Chúng tôi bàn bạc và quyết định cần mua một ngôi nhà để làm tổ ấm cho gia đình nhỏ.
Tôi về nhà bố mẹ đẻ, hỏi vay tiền để mua nhà. Nhưng bất ngờ, bố mẹ chồng lại nói muốn tới nhà chơi, ở lại mấy ngày với cháu nội. Tôi nghĩ, nhất định họ lại tới để đòi tiền phụng dưỡng. Chồng phớt lờ tôi và khẳng định: Chắc chắn không có chuyện đó.
Mấy ngày bố mẹ chồng đến nhà, tôi vẫn tỏ ra vui vẻ, chăm sóc họ bình thường nhưng trong lòng có chút lo lắng, khó chịu. Nếu họ ở lại nhà tôi luôn thì chi phí sinh hoạt không biết phải tính thế nào. Thật đáng sợ.
Chồng bận chăm sóc bố mẹ hàng ngày. Tôi không ngăn cản anh vì dù sao họ cũng là bố mẹ. Ngày bố mẹ chồng về quê, tôi chỉ ra chào rồi quay về công việc của mình. Chồng tôi là người đưa họ ra xe. Sau khi quay về nhà, chồng gọi tôi để nói chuyện. Anh đưa ra 1 cuốn sổ ngân hàng và nói rằng, đó là của bố mẹ chồng đưa cho chúng tôi. Cuốn sổ có hơn 300.000 NDT (khoảng hơn 1 tỷ đồng).
Tôi không thể tin nổi. Thì chồng tôi giải thích: “Bố mẹ lo lắng rằng chúng ta sống ở thành phố, tiêu xài hoang phí, muốn ngăn cản, khuyên răn chúng ta nhưng lại thấy không hợp lý nên mới nảy ra ý tưởng yêu cầu tiền phụng dưỡng hàng tháng. Ông bà không tiêu tiền mà đều để dành và gửi vào 1 cuốn sổ tiết kiệm. Đến nay, ông bà giao lại cho 2 vợ chồng để lo việc mua nhà”.
Nghe chồng nói, tôi thực sự có cảm xúc lẫn lộn. Bấy lâu nay, tôi có phần khó chịu với bố mẹ chồng vì nghĩ ông bà đòi hỏi con cái, muốn dành dụm tiền cho tuổi già. Khi biết sự thật này, tôi thực sự thấy hối hận vì suy nghĩ đó của mình trong suốt những năm qua. Hóa ra, bố mẹ vẫn luôn nghĩ cho chúng tôi, lo cho cuộc sống của chúng tôi. Sau chuyện này, tôi bàn với chồng về quê thăm bố mẹ 1 chuyến, để xin lỗi và cũng cảm ơn ông bà vì đã luôn dành sự quan tâm, lo lắng cho con cái.
Quả thực, chỉ khi nuôi con mới hiểu tấm lòng cha mẹ. Đi hết cuộc đời, cha mẹ vẫn dõi theo các con.