Kỳ tài nữ tử này là ai?
Trong thời Tam Quốc, bên cạnh những vị mãnh tướng, các tài nữ cũng xuất hiện nhiều theo thời thế. Có thể kể đến như Tân Hiến Anh – một liệt nữ thông minh, có tài nhìn người, nhìn sự việc mà dự báo được vận mệnh của một quốc gia. Thực hư chuyện này thế nào?
Tân Hiến Anh – Kỳ tài nữ tử thời Tam Quốc
Tân Hiến Anh (191 – 269), nguyên quán là quận Lũng Tây, sinh quán là Dương Địch, Dĩnh Xuyên. Hiến Anh là con gái của Thị trung Tân Bì nhà Tào Ngụy, được gả cho Thái thường Dương Đam.
Tân Hiến Anh nổi tiếng là một kỳ tài nữ tử thời Tam Quốc. (Ảnh: Sohu)
Tân Hiến Anh không phải là phương sĩ, nàng cũng không phải dị nhân mà chỉ nổi tiếng là người thông minh. Nàng thường đưa ra những lời khuyên cho chồng con và họ hàng.
Từ hành động của Tào Phi mà đoán ra quốc vận
Vào năm 217 sau Công Nguyên, Tào Thực đã bất chấp luật lệ, vì say rượu mà đã tự ý sử dụng xe ngựa của vương thất, mở cửa Tư Mã, cho ngựa phi nước đại trên cấm đạo.
Trong cơn thịnh nộ, Tào Tháo đã hạ lệnh xử tử người trông giữ xe ngựa của vương thất. Lúc này, cán cân trong lòng Tào Tháo bắt đầu lung lay. Tào Tháo tự hỏi liệu một người có tính cách bộc trực phóng khoáng như Tào Thực có thích hợp với ngôi vị đế vương hay không.
Tân Hiến Anh qua biểu cảm và hành động của Tào Phi đã dự đoán vận mệnh của Tào Ngụy không được lâu dài. (Ảnh: Sohu)
Sau đó, giữa Tào Phi và Tào Thực, Tào Tháo cuối cùng đã đưa ra lựa chọn của mình: lập Tào Phi làm Ngụy thế tử. Tào Phi thấy vậy rất vui, ôm gáy Tân Bì mà hỏi: “Anh Tân biết ta vui gì chăng?” Bì kể lại với Hiến Anh, bà than rằng: “Thế tử là người thay quân vương làm chủ tông miếu xã tắc. Thay thế nhà vua không thể không lo, làm chủ đất nước không thể không sợ, nên lo mà vui, sao được lâu dài! Nhà Ngụy sẽ không thịnh chăng?”
Năm Kiến An thứ 25 (220), Ngụy vương Tào Tháo chết, Vương thế tử Tào Phi kế nghiệp chức Thừa tướng nhà Hán, nhận danh hiệu Ngụy vương. Mùa thu năm đó, Tào Phi dâng thư lên Hán Hiến Đế khuyên ông nhường ngôi cho Ngụy vương. Đây được gọi là sự kiện Tào Phi soán Hán nổi tiếng lúc bấy giờ.
Tháng 10 năm 220, Tào Phi tự xưng là Ngụy Hoàng Đế, trở thành vị Hoàng đế đầu tiên của Tào Ngụy. Tuy nhiên, vận mệnh của Tào Ngụy chỉ kéo dài được 45 năm, nếu so sánh với các triều đại khác thì không hề lâu dài. Điều này đã đúng với lời dự báo của Tân Hiến Anh về triều đại này.
Đoán đúng việc Tư Mã Ý muốn giết Tào Sảng
Chưa hết, Tân Hiến Anh cũng là người đã đoán đúng việc Tư Mã Ý muốn giết Tào Sảng.
Em Hiến Anh là Sưởng làm tham quân của Đại tướng quân Tào Sảng. Tào Sảng tháp tùng Tào Phương rời Lạc Dương đến tế lễ ở Cao Bình Lăng. Thái phó Tư Mã Ý thừa cơ phát động chính biến, đóng cổng thành Lạc Dương. Đại tướng quân Tư Mã Lỗ Chi chống lại lệnh cấm, dẫn binh phá cửa thành, rồi tìm đến Tào Sảng, ông còn hẹn Tân Sưởng cùng nhau tiến quân.
Bà cũng dự đoán đúng việc Tư Mã Ý có ý định giết Tào Sảng. (Ảnh: Sohu)
Bởi vì tình thế nghiêm trọng, Tân Sưởng có chút lo sợ, nên đã thỉnh giáo chị gái Hiến Anh. Sưởng hỏi Hiến Anh rằng: “Thiên tử ở ngoài, Thái phó đóng cửa thành, người ta nói ông ấy sắp làm phản, có đúng không?” Bà đáp: “Việc này không thể biết được, nhưng ta đoán chừng, thái phó không làm không được. Minh hoàng đế sắp băng, nắm tay thái phó, phó thác hậu sự, lời ấy các quan trong triều còn nhớ. Tào Sảng cùng thái phó đều thụ cố mệnh, nhưng lại một mình chuyên quyền, đối với vương thất là bất trung, đối với nhân (luân) đạo (lý) là bất trực, hành động của thái phó chẳng qua là muốn giết Sảng đấy!”
Sưởng hỏi: “Việc này có thành công hay không?” Hiến Anh đáp: “Sao lại không thành công! Tài năng của Sảng không phải là đối thủ của thái phó đâu.” Sưởng hỏi: “Vậy Sưởng không nên đi à?” Hiến Anh đáp: “Sao có thể không đi! Giữ vững chức trách là đại nghĩa làm người. Biết người có nạn, thì phải cảm thấy thương xót; vả lại đã nhận làm việc cho người mà lại bỏ bê trách nhiệm, không may mắn chút nào. Hơn nữa phụng sự người, vì người mà chết, phải là kẻ thân cận kia, mày chỉ là kẻ đi theo số đông mà thôi.” Sưởng bèn đi. Tư Mã Ý quả nhiên giết Sảng. Việc xong rồi, Sưởng than rằng: “Ta không theo lời chị, sẽ không giữ được nghĩa!”
Dự báo Chung Hội làm phản
Năm Cảnh Nguyên thứ 3 (262), Chung Hội nhận chức Trấn tây tướng quân, Hiến Anh hỏi cháu gọi Dương Đam bằng chú là Dương Hỗ rằng: “Chung Sĩ Quý sao lại ra phương tây?” Hỗ đáp: “Sắp diệt Thục đấy!” Hiến Anh nói: “Hội hành xử buông thả, không phải là thái độ của kẻ muốn làm bề tôi lâu dài, ta sợ hắn có chí khác.” Hỗ nói: “Cô chớ nói nhiều.”
Qua hành động của Chung Hội, Tân Hiến Anh cũng phán đoán được việc ông ta sẽ làm phản. (Ảnh: Sohu)
Khi Hội sắp lên đường, xin lấy con trai Hiến Anh là Dương Tú làm tham quân, bà lo lắng nói: “Hôm kia ta lo cho nước, hôm nay nạn kiếp đến với nhà ta rồi.” Tú cố xin Tư Mã Chiêu, ông ta không nghe. Hiến Anh nói với Tú rằng: “Cứ đi! Nhớ lấy: Quân tử đời xưa ở nhà tận hiếu với cha mẹ, ra ngoài tận trung với nước nhà; vì chức vụ mà giữ lấy trách nhiệm, vì nghĩa lý mà giữ lấy lập trường, không nên khiến cha mẹ lo lắng là được. Để vượt qua mọi khó khăn ở nơi quân lữ, chỉ có tấm lòng nhân từ khoan thứ mà thôi.” Hội quả nhiên làm phản ở Thục, còn Tú cũng bảo toàn được thân mà trở về.
Năm Thái Thủy thứ 5 (269), Hiến Anh mất, hưởng thọ 79 tuổi. Con trai của bà là Dương Cấn làm đến Thượng thư Hữu Bộc Xạ; con gái bà sau này trở thành bà ngoại của Tấn Nguyên Đế. Những câu chuyện về khả năng của bà đều được ghi chép trong “Tấn thư” quyển 96 phần “Liệt nữ truyện: Tân Hiến Anh”.
*Nguồn: Sohu, Sina