Vượt mặt nhiều mưu sĩ nổi tiếng như Gia Cát Lượng, Quách Gia, nhân vật này xứng đáng được mệnh danh là đệ nhất mưu sĩ thời Tam Quốc.
Dưới thời Tam Quốc, Gia Cát Lượng là nhà quân sự, chính trị gia nổi tiếng của tập đoàn chính trị Thục Hán. Nói đến tài mưu lược, không thể không nhắc tới Khổng Minh tiên sinh.
Ông cả đời cúc cung tận tụy vì Thục Hán, lưu lại cho đời sau cả một “gia tài” về mưu kế, cũng truyền lại nhiều áng văn bất hủ như “Xuất sư biểu”, “Giới tử thư”…
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Gia Cát Lượng thần cơ diệu toán, liệu sự như thần. Những thành tích công lao của ông, dường như không ai có thể so sánh được.
Các thành tích ấy thậm chí còn được lưu truyền đến tận ngàn năm sau qua các điển tích ví dụ như trâu gỗ ngựa máy, thuyền cỏ mượn tên, mượn gió Đông, bảy lần bắt bảy lần tha Mạnh Hoạch, bảy ngọn đèn tục mệnh, ba lần phỏng bái lều tranh…
Nhưng nếu nói ông là mưu sỹ đứng đầu Tam Quốc thì lại không phải, bởi lẽ vào thời Tam Quốc có quá nhiều nhân tài kiệt xuất, chỉ có một mình Tư Mã Ý thôi, Gia Cát Lượng cũng đã đối phó không lại rồi.
Nhìn bao quát một lượt những người tài trong thời kỳ Tam Quốc thì Giả Hủ mới xứng là mưu sĩ đứng đầu Tam Quốc.
Sự lợi hại của Giả Hủ
Giả Hủ tự Văn Hòa, là mưu sĩ nổi tiếng thời Tam Quốc, từng đảm nhiệm chức vụ quân sư thân cận của Tào Tháo.
Trước khi gia nhập vào tập đoàn chính trị Tào Ngụy, ông từng phụng sự dưới trướng của những nhân vật như Đổng Trác, Lý Thôi và Trương Tú.
Dù vậy, ông vẫn được Tào Tháo rất mực tin tưởng khi đầu quân giúp sức cho gia tộc họ Tào. Sau khi Tào Tháo qua đời, Giả Hủ tiếp tục phụng sự những người kế nghiệp của Tào Ngụy sau này.
Tranh vẽ nhân vật Giả Hủ thời Tam Quốc.
Nhưng tại sao lại có thể khẳng định Giả Hủ mới là đệ nhất mưu sĩ thời Tam Quốc? Câu trả lời là bởi mỗi lần Giả Hủ hiến kế, mưu kế của ông dường như đều ảnh hưởng hoặc tao ra xu hướng trong lịch sử Tam Quốc.
Trong cuốn “Tam Quốc chí”, tác giả Trần Thọ từng đưa ra lời nhận định về tài năng của Giả Hủ: “Giả Hủ toan tính cơ hồ không hề sơ sót, đạt đến mức thấu hiểu sự quyền biến, đại khái là gần được như Lương, Bình vậy!”.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, những lời tán dương của Trần Thọ dành cho Giả Hủ cũng không hề sai.
Khi còn làm việc cho Đổng Trác, Giả Hủ đã hiến cho Đổng Trác nhiều kế sách quan trọng, giúp họ Đổng giành thắng lợi trong các cuộc đàn áp, đồng thời mở rộng thế lực, tạo điều kiện để sau này Đổng Trác tiến vào Trung Nguyên.
Sau khi Đổng Trác chết, Giả Hủ đã hiến kế cho Lý Thôi cùng Quách Dĩ phản công Trường An, chặt đứt hoàn toàn mạch máu của Đông Hán. Sự diệt vong trong nháy mắt của nhà Đông Hán lúc đó cũng chính là minh chứng cho thấy sự lợi hại của đại mưu sĩ Giả Hủ.
Trường An bị phá hủy, buộc Hán Hiến Đế phải lựa chọn bỏ chạy về phía đông với sự kiện nổi tiếng trong lịch sử “Hiến Đế Đông quy”.
Trong quá trình Hiến Đế chạy về phía đông, Tào Tháo đã lựa chọn thu nhận và giúp đỡ Hán Hiến Đế và đưa ông đến Hứa Đô, thực hiệc kế hoạch “dùng danh nghĩa của thiên tử để phát hiệu lệnh chinh phạt thiên hạ”.
Sau đó Giả Hủ lại hiến kế cho Trương Tú hai lần đánh bại Tào Tháo, hại chết người thừa kế của Tào Tháo là Tào Ngang cùng thủ hạ là đại tướng Điển Vi.
Hình ảnh nhân vật Giả Hủ trên phim.
Trong cuộc đấu tranh giữa Tào và Viên ông lại khuyên Trương Tú đầu hàng Tào Tháo, giúp cho Trương Tú có một cái chết yên lành, đồng thời thế lực của Tào Tháo cũng được tăng mạnh.
Trong trận chiến Quan Độ, quân của Tào Tháo và Viên Thiệu đã quyết chiến với nhau. Giả Hủ đã dùng kế ly gián Mã Siêu và Hàn Toại giúp đỡ Tào Tháo bình định Tây Lương.
Cuối cùng, ông lấy Viên Thiệu làm gương và giúp Tào Tháo xác định người kế vị, đồng thời giúp Tào Phi lên ngôi.
Với những mưu kế góp phần xoay chuyển thế cục như thế này, Giả Hủ xứng đáng được mệnh danh là người đứng đầu trong số các mưu sĩ thời Tam Quốc.