Kinh Châu là vùng đất quan trọng thế nào mà anh hùng Tam Quốc chiến đấu để có bằng được?
Trong tác phẩm Tam Quốc Chí của Trần Thọ hay Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung luôn mô tả những sự kiện hoặc giai thoại liên quan đến việc tranh chấp vùng đất Kinh Châu. Vậy thực sự nơi này có vị thế quan trọng đến đâu?
Có thể nói, đất Kinh Châu (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc) chiếm một phần quan trọng trong lịch sử tranh chấp giữa ba nước Ngụy, Thục, Ngô thời kỳ Tam Quốc phân tranh. “Vùng đất vàng” mà hào kiệt nào cũng muốn giành lấy bất kể thời chiến hay thời bình vì những lý do sau đây:
1. Vị trí trung tâm thuận lợi
Trong lịch sử các triều đại phong kiến đầu tiên của Trung Quốc, những bậc đế vương thường quan niệm rằng thiên hạ gồm chín châu, Kinh Châu là một trong số đó. Đến thời Đông Hán, triều đình chia các vùng ra thành 13 châu. Dựa vào địa hình và tài nguyên thì các châu ở đồng bằng phía Bắc có lợi thế về tài nguyên hơn là ở phía Nam hoặc vùng trung du phía Tây.
Vị trí bảy quận Kinh Châu thời Tam Quốc, trong đường phân giới màu đen (Ảnh: W3guo.com )
Kinh Châu thời ấy nằm ở vị trí trung tâm vùng Trung nguyên, nếu thiên hạ chia ba thì đó được coi là “ngã ba thiên hạ”. Diện tích Kinh châu thời Đông Hán rất lớn, bao gồm toàn tỉnh Hồ Bắc, một phần các tỉnh Hồ Nam, Quảng Tây, Quý Châu, Hà Nam và Trùng Khánh.
Trong thời kỳ Tam Quốc, Kinh Châu phía bắc giáp với Dự Châu (do Tào Tháo kiểm soát), phía Tây giáp với Ích Châu (vùng Tây Xuyên do Lưu Bị kiểm soát) còn phía Đông giáp Dương Châu (một vùng đất trù phú do Tôn Quyền chiếm giữ). Kinh Châu khi ấy có 7 quận và có thời kỳ bị ba thế lực thời Tam Quốc chia nhau chiếm giữ mỗi bên 2 đến 3 quận.
Trong “Long Trung đối sách” (một kế hoạch về chiến lược quân sự) của Gia Cát Lượng cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc có được các quận Kinh châu.
Cụ thể, Gia Cát Lượng đề cập: “Với đất Kinh Châu mà nói, phía bắc dựa vào đất Hán, Miên, phía nam đã gần với biển, phía đông liên kết với đất nhà Ngô, phía Tây gần thông với đất Ba Thục, là vùng đất thuật lợi để dụng võ. Khác gì đội quân tự nhiên mà ông trời ban cho, tướng quân há không để ý sao được”
Minh họa Gia Cát Lượng diễn giải Long Trung đối sách cho Lưu Bị (Ảnh: xuehua.us)
Gia Cát Lượng coi trọng Kinh Châu như vậy cũng là điều dễ hiểu bởi đây được coi là vùng đất “thiên thời địa lợi”, không chỉ có ông mà bất cứ kẻ nào có trí lớn xưng bá chủ thiên hạ đều nhìn ra và tham vọng sẽ đoạt lấy.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, Tôn Quyền khi ấy là Chúa công của Đông Ngô tuy còn trẻ những cũng nhìn ra được và nhận xét rằng: “Kinh Châu và đất Đông Ngô ta có mối liên hệ chặt chẽ về địa lý, sông Trường Giang (còn gọi là sông Dương Tử) từ phía tây chảy vào đất Đông Ngô, ở đó cũng có những con sông và đồi núi cao, như những cửa ải tự nhiên ngăn quân thù tiến vào. Đông Ngô ta muốn được an toàn thì phải chiếm cho được Kinh Châu.
2. Tài nguyên và nhân lực phong phú
Ngoài tầm quan trọng về mặt địa chính trị, Kinh Châu còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Kinh Châu nằm ở khu vực mà đất đai màu mỡ nhờ sự bồi đắp của sông Trường Giang và các nhánh của con sông này.
Nơi đây, có điều kiện thuận lợi để sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, cung cấp nguồn nước cho con người. Vị trí trung tâm và địa hình đồng bằng cũng giúp Kinh Châu có thể trở thành nơi sản xuất cũng như giao thương nhộn nhịp và sầm uất.
Dù ở thời đại nào thì Kinh Châu luôn là vùng đất trù phú (Ảnh: blog.sina.com.cn)
Ngay cả cuối thời Đông Hán, khi triều đình suy vong, quân phiệt cát cứ, chiến tranh liên miên thì Kinh Châu vẫn giữ được sự phát triển tương đối ổn định so với các khu vực khác.
Cũng chính vì thế mà là nơi tập trung một lượng dân số đông đảo, có thể chiêu mộ quân lính phục vụ sản xuất lẫn tham gia chiến đấu.
Nhân khẩu vùng Kinh Châu cũng tương đối tiện lợi cho việc cai trị khi ở đây người Hán chiếm đa số dẫn đến phong tục tập quán, ngôn ngữ đồng nhất, ít xung đột sắc tộc hay tôn giáo. Nhiều thành thị thuộc địa phận Kinh Châu như thành Giang Lăng ở phía bắc, thành Trường Sa ở phía nam, thành Di Lăng ở phía tây, thành Hạ Khẩu ở phía đông.
Về cơ bản, khi Tào Tháo đã nắm quyền kiểm soát hầu như vùng đồng bằng phía bắc Trung Quốc với trung và hạ lưu sông Hoàng Hà giúp đất đai màu mỡ, tài nguyên phong phú, dân cư đông đúc thì Lưu Bị và Tôn Quyền muốn đối trọng lại Tào Tháo cần phải sở hữu vùng trung và hạ lưu sông Trường Giang với các vùng đồng bằng ở phía Nam.
Nếu để Tào Tháo chiếm được Kinh Châu, ông ta sẽ uy hiếp cả nước Thục lẫn nước Ngô. Lợi thế phòng thủ của Lưu Bị và Tôn Quyền sẽ bị tổn thương.
Kinh Châu từng bị tranh chấp gay gắt thế nào trong thời Tam Quốc?
Thời kỳ đầu khi nhà Hán suy vong, các thế lực quân phiệt cát cứ nhiều nơi. Cho tới khi Viên Thiệu tập hợp các lộ chư hầu để diệt Đổng Trác thì sự tranh chấp Kinh Châu đã nổ ra. Tôn Kiên là người đã chiếm được quận Nam Dương ở Kinh Châu rồi giao cho Viên Thuật (em Viên Thiệu).Sau này có Lưu Biểu thuộc dòng dõi nhà Hán được Hán Hiến Đế phong làm Thứ sử Kinh Châu nhưng trên thực tế không kiểm soát hết các quận mà chỉ chiếm giữ vài quận quan trọng. Tôn Kiên đem quân đánh Lưu Biểu để chiếm toàn bộ Kinh Châu nhưng bị thất bại và tử trận. Cuối cùng, Lưu Biểu nắm toàn bộ Kinh Châu.
Kinh Châu với vị trí là “ngã ba thiên hạ” (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)
Thời kỳ thứ hai là khi Tào Tháo đã diệt được Viên Thiệu, hùng cứ phương Bắc, nhưng chưa bao giờ quên tầm quan trọng của Kinh Châu ở phía Nam. Năm 205, Tào Tháo sai dũng tướng Trương Liêu đi chiếm quận Giang Hạ ở Kinh Châu.
Kết quả là quân Tào giành được một vài thắng lợi, chiếm giữ phần lớn quận này, coi như đặt một chân vào Kinh Châu. Trong khi đó, hai con của Tôn Kiên là Tôn Quyền và Tôn Sách cũng liên tiếp đánh Kinh Châu nhưng thất bại và không được như Tào Tháo. Lưu Biểu vẫn làm chủ vùng này.
Thời kỳ thứ ba, khi Tào Tháo quyết đánh xuống phía nam thì Lưu Biểu bệnh nặng qua đời, con trai Lưu Tông sợ hãi trước sự hùng mạnh của quân Tào nên khi Tào Tháo tới Kinh Châu thì ra hàng và dâng toàn bộ đất đai. Lúc này, Lưu Bị nhờ mối quan hệ với Lưu Biểu nên đang ở nhờ đất Kinh Châu, đóng quân ở huyện Tân Dã vùng này và quyết tâm chống Tào Tháo.
Nhưng khi biết Lưu Biểu chết và con Lưu Biểu hàng Tào Tháo thì đem quân bỏ đi về Đông Ngô nương nhờ Tôn Quyền. Tào Tháo đã chiếm được Kinh Châu mà không tốn một mũi tên, giọt máu.
Có được vùng đất quan trọng bậc nhất, Tào Tháo đem quân đánh sang Đông Ngô. Nhưng bị liên quân Lưu Bị – Tôn Quyền đánh bại ở trận thủy chiến Xích Bích lừng danh lịch sử. Thua trận, quân Tào bỏ chạy, còn quân của Lưu Bị, Tôn Quyền thừa thắng đánh đến Kinh Châu và chiếm các quận quan trọng ở đây.
Sau trận Xích Bích, chính ra Kinh Châu thuộc về Tôn Quyền nhưng Lưu Bị xin mượn tạm vài quận vùng này. Tồn Quyền thấy Tào Tháo tuy thua trận nhưng thế lực còn mạnh, nên cho Lưu Bị “mượn đất” nhằm tạo thêm một đồng minh kháng lại Tào Tháo. Cuối cùng, sau trận chiến Xích Bích, Kinh châu chia làm ba với Lưu Bị tạm thời giữ 6 quận (trên danh nghĩa “mượn tạm”), Tào Tháo giữ 4 quận, Tôn Quyền chỉ giữ một phần quận Giang Hạ.
Lược đồ các thế lực tam quốc đang tranh chấp và tạm thời phân chia Kinh Châu (Ảnh: Tienphong.vn)
Thời kỳ thứ tư, lúc này đang “ở nhờ” Kinh Châu nhưng ngay cả khi Tôn Quyền đòi lại đất Lưu Bị cũng không trả mà giao cho Quan Vũ trấn giữ còn mình thì tiến về vùng Tây Xuyên để tạo hậu phương vững chắc, lập nước Thục Hán. Quan Vũ muốn chiếm thêm các quận ở Kinh Châu nên phát động chiến dịch tấn công Tương Dương và Phàn Thành.
Tôn Quyền và Tào Tháo đều lo sợ Lưu Bị sẽ làm chủ hoàn toàn vùng đất quan trọng này thế nên đã tạm thời liên kết với nhau. Kết quả, Quan Vũ mắc mưu bị đánh bại, thiệt hại rất nhiều binh sĩ, quân của Tôn Quyền lẫn Tào Tháo thừa cơ phản công, chiếm hết các vùng đất mà Lưu Bị có ở Kinh Châu, giết chết Quan Vũ.
Đến lúc này, Lưu Bị hoàn toàn không còn tranh chấp vùng này được nữa. Ông quyết mở chiến dịch Di Lăng để giành lại nhưng vẫn thất bại nặng nề.
Kinh Châu từ đây chỉ còn sự phân chia giữa Đông Ngô của Tôn Quyền và Bắc Ngụy của Tào Tháo. Trong đó, Đông Ngô chiếm 8 quận và Bắc Ngụy chiếm 7 quận.
Tầm quan trọng của Kinh Châu sau này đã phát huy hiệu quả. Nhờ có Kinh Châu, Bắc Ngụy đã lần lượt đánh bại Thục Hán rồi Đông Ngô. Có nhiều yếu tố để Thục Hán bị diệt, trong đó yếu tố không thể chiếm giữ phần nào ở Kinh Châu cũng là một nguyên nhân.
Sau khi đánh Thục Hán, nhà Bắc Ngụy (sau này đổi thành nhà Tấn) cũng không dễ dàng đánh Đông Ngô vì nhiều lí do, trong đó việc Đông Ngô có “cửa ải” là vài quận quan trọng ở Kinh Châu cũng là một ngăn cản lớn. Cuối cùng, thời kỳ Tam quốc kết thúc khi Đông Ngô bị diệt. Nước Tấn được thành lập dưới sự cai trị của dòng họ Tư Mã.