Đều tồn tại trong 1 giai đoạn lịch sử và sở hữu tài năng xuất chúng, song các nhân vật này lại có số phận và kết cục hoàn toàn khác nhau. Đó là do thái độ và lựa chọn của họ.
Cổ nhân có câu “thời thế tạo anh hùng”, đây cũng là lý do vì sao một giai đoạn có nhiều biến cố lịch sử như thời Tam Quốc lại trở thành cái nôi sản sinh ra không ít nhân tài xuất chúng.
Thế nhưng suy cho cùng, yếu tố chủ chốt làm nên sự thành công của một hiền tài không chỉ là thời thế mà còn phụ thuộc vào thái độ cũng như lựa chọn của họ.
Số phận của những nhân tài Tam Quốc sở hữu xuất phát điểm ít nhiều có tương đồng nhưng kết cục lại khác nhau “một trời một vực” dưới đây chính là minh chứng cho nhận định nói trên.
Thứ tạo nên sự khác biệt vốn không phải là tài năng mà là thái độ
Ngay cả khi đã dành hết tâm sức cả đời để bảo vệ bình yên cho mảnh đất Kinh Châu, Lưu Biểu vẫn phải chịu kết cục của một hiền tài bị người đời bỏ quên và bị lịch sử chê trách. (Ảnh minh họa).
Mỗi khi nhắc tới những mưu sĩ nổi danh trong thời Tam Quốc, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến tên tuổi của bậc đại trí nổi tiếng là Gia Cát Khổng Minh.
Lưu Biểu (142 – 208), là một thủ lĩnh quân phiệt đầu thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông từng được bổ nhiệm chức Thứ sử đất Kinh Châu từ khi Đổng Trác còn nắm quyền.
Sau một vài lần điều động quân sự nhằm mục đích ổn định vùng đất này, vị Thứ sử họ Lưu ấy đã giúp cho Kinh Châu có được sự yên ổn trong suốt nhiều năm. Giữa bối cảnh hỗn loạn của trung nguyên lúc bấy giờ, nhiều nhân sĩ chạy nạn đã tìm đến vùng đất của Lưu Biểu để nương nhờ.
Vừa vỗ về và trợ giúp kinh tế cho bách tính, vừa xây trường học và làm hưng thịnh đạo Nho, địa phận Kinh Châu của ông khi đó có thể ví như một vương quốc độc lập đứng bên lề những cuộc giao tranh đẫm máu.
Thế nhưng cũng kể từ đó, Lưu Biểu vốn không có ý mở rộng địa bàn ra ngoài để tranh hùng với các sứ quân trung nguyên khác. Ông giữ chủ trương “ngồi xem thành bại” trong suốt nhiều năm và từ chối can dự vào những cuộc giao tranh của các chư hầu.
Đánh giá về động thái đứng bên lề của thời cuộc như trên, các sử gia thường coi ông là người không có hùng tâm tráng chí. Sử sách cũng vì vậy mà đa số đều cho rằng ông không đem tới nhiều sức ảnh hưởng với thời đại lúc đó.
Tuy nhiên dù cho có nhìn nhận khắt khe tới đâu, thì ít ai có thể phủ nhận được những giá trị tích cực mà ông đem tới cho vùng đất của mình. Việc Lưu Biểu thu nhận các hiền sĩ từ trung nguyên, thương dân dưỡng sĩ, khiến Kinh Châu là nơi bình an suốt cả thập kỷ vốn dĩ là điều mà ít ai có thể làm được trong thời loạn thế.
Nếu sinh sống vào giai đoạn thái bình thịnh trị, vị thứ sử họ Lưu ấy chắc chắn sẽ có nhiều “đất diễn” để thi triển tài năng. Tuy nhiên trong thời buổi thiên hạ nhiễu nhương, thì ông lại không có đủ bản lĩnh và năng lực quân sự để tranh hùng thiên hạ.
Cũng bởi vậy mà sử gia Hà Toàn Tư khi nhắc tới Lưu Biểu đã coi ông là mẫu “hiền thần thời bình, người thường thời loạn”.
Hình minh họa.
Bài học rút ra
Có đôi khi, những nhân tài thực sự trong thời buổi có nhiều biến cố vốn không phải là những người thích phô trương tài năng mà lại là các ẩn sĩ.
Thế nhưng cổ nhân có câu “thời thế tạo anh hùng”, kẻ có tài mà không dùng cái tài để cống hiến cho đại cục thì vẫn chỉ bị coi là người thất bại ngay ở vạch xuất phát.
Đây cũng là lý do mà một Lưu Biểu chấp nhận đứng bên lề thời thế, nguyện dùng tài năng và sức lực để vun đắp cho mảnh đất của riêng mình lại vẫn bị xem là “hiền thần trong thời bình, người thường trong thời loạn”.
Trong khi đó, một nhân tài nổi danh khác là Gia Cát Khổng Minh cũng từng có thời gian ở ẩn, nhưng sau cùng ông đã lựa chọn phò tá minh chủ Lưu Bị, từng bước gây dựng nên đế nghiệp của nhà Thục Hán và để lại tiếng thơm ngàn đời.
Mặc dù đều được xem là những bậc hiền tài hiếm có, nhưng yếu tố khiến Lưu Biểu và Gia Cát Lượng có hậu vận khác nhau thực chất lại nằm ở thái độ của họ đối với thời cuộc.
Vì vậy có thể nói rằng, yếu tố làm nên sự thành công của nhân tài không chỉ nằm ở tài hoa mà còn phụ thuộc vào cách họ nắm bắt những cơ hội có được trong cuộc đời mình.
Muốn lựa chọn tập thể để cống hiến, nhất định phải chọn người có cùng chung chí hướng
Đều từng là hai mưu sĩ cốt cán của Thục Hán và Tào Ngụy, thế nhưng kết cục của Gia Cát Khổng Minh và Tuân Úc lại khác nhau một trời một vực. (Ảnh minh họa).
Về việc lựa chọn tập đoàn chính trị để phò tá, Gia Cát Lượng có thể xem là người sở hữu mắt nhìn tinh tường hơn cả.
Năm xưa, ông đã từng có một thời gian ẩn cư ở đất Long Trung để quan sát thời thế và tìm kiếm một vị minh chủ để phò trợ. Sau cùng, Ngọa Long tiên sinh nổi danh thiên hạ đã lựa chọn Lưu Bị – một vị quân chủ sở hữu thực lực cũng như danh tiếng hoàn toàn lép vế so với các thế lực lúc bấy giờ.
Thế nhưng ở vị quân chủ ấy lại có một điểm khiến Gia Cát Lượng nguyện dốc lòng phò tá. Đó chính là sự thống nhất về chí hướng và sự tương hợp về lý tưởng.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh lựa chọn của Gia Cát Khổng Minh là hoàn toàn chính xác. Sau khi về dưới trướng Lưu Bị, ông vừa có “đất diễn” để thi triển tài năng, vừa có nhiều cơ hội giúp quân chủ gây dựng đại nghiệp, cuối cùng trở thành một Thừa tướng quyền lực của tập đoàn chính trị Thục Hán.
Mặc dù có cùng xuất phát điểm là một mưu sĩ như Khổng Minh, tuy nhiên kết cục của Tuân Du lại không được may mắn như vậy.
Năm xưa, vị mưu sĩ họ Tuân này từng là người đứng đầu trong đội ngũ nhân tài dưới trướng Tào Tháo và được xem là một cánh tay đắc lực của vị quân chủ này trong buổi đầu gây dựng sự nghiệp.
Nào ngờ tới khi cơ nghiệp đã vững, Tào Tháo lại có dã tâm muốn soán ngôi đoạt vị, còn Tuân Úc vẫn luôn một lòng trung thành với khát vọng phục hưng Hán thất.
Chính sự khác biệt về chí hướng đã khiến mâu thuẫn giữa Tuân Úc và Tào Tháo ngày càng trở nên sâu sắc. Đỉnh điểm là năm 212, ông đã bị Tào Tháo điều đi lĩnh binh ở huyện Tiêu và đột ngột qua đời vì bạo bệnh ngay trên đường đến nơi nhậm chức.
Dù cho cái chết của Tuân Úc là do uất ức mà thành hay do bị Tào Tháo bức tử, thì suy cho cùng ông vẫn phải chịu kết cục bi thảm vì đã lựa chọn một đội ngũ không cùng chung chí hướng.
Hình minh họa.
Bài học rút ra
Sự đồng nhất về chí hướng và thống nhất về lý tưởng vốn là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên linh hồn cũng như quyết định sự thành bại của cả một tập thể.
Bởi một khi giữa các thành viên xảy ra mâu thuẫn về quan điểm hay lý tưởng, tập thể đó sẽ dần bị “đục khoét” bởi những lục đục trong nội bộ và thậm chí có thể đi đến bờ vực tan rã một cách nhanh chóng.
Do đó đối với những người đang tìm kiếm những cơ hội việc làm mà nói, các yếu tố nhưng tiền lương, chức vụ, đãi ngộ… chỉ là thứ yếu. Điều mà chúng ta cần quan tâm hơn cả nên là mức độ phù hợp cả cơ quan tổ chức đó đối với bản thân mình.
Tương tự như vậy, đối với những người làm công tác tuyển dụng hay những lãnh đạo cần quản lý nhân sự, thì việc thống nhất các ý kiến để tìm ra sự đồng thuận về chí hướng mới thực sự là điều cần làm nhất.
Thực tế cũng đã chứng minh, nếu một tập thể có thể tập hợp được những nhân tài cùng chung chí hướng thì việc họ có thể đánh bật mọi khó khăn và tạo nên kỳ tích có lẽ chỉ là vấn đề sớm muộn.