Sau khi Thục Hán diệt vong, Hậu chủ Lưu Thiện phải tới đất Nguỵ, nhưng người dân nước này không nổi loạn hoá ra là vì nguyên nhân đơn giản này.
Thời Tam Quốc nhiều biến động xoay quanh những cuộc chiến giữa ba nước là Tào Nguỵ, Thục Hán và Đông Ngô. Suốt mấy chục năm binh biến, tham vọng cuối cùng của những người đứng đầu như Tào Tháo, Lưu Bị và Tôn Quyền chính là thống nhất thiên hạ. Tuy nhiên, cả ba đều chưa thể thực hiện được mục tiêu này vì nhiều nguyên nhân.
Cục diện Tam Quốc có nhiều thay đổi sau khi Quan Vũ qua đời một cách đầy tiếc nuối, Lưu Bị dốc toàn lực thực hiện cuộc chinh phạt Đông Ngô, cuối cùng đại bại tại trận Di Lăng. Không lâu sau, Lưu Bị lâm bệnh nặng rồi qua đời ở thành Bạch Đế năm 223.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện trở thành hoàng đế của Thục Hán và nhận được sự phò tá đắc lực của thừa tướng Gia Cát Lượng. Tuy nhiên, sau khi Gia Cát Lượng và các tướng lĩnh lão thành lần lượt qua đời, Thục Hán cũng dần suy yếu.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Lưu Thiện lên ngôi và nhận được sự phò tá đắc lực của Gia Cát Lượng.
Năm 263, đại quân của Tào Ngụy tấn công Thành Đô, kinh thành của Thục Hán. Lúc bấy giờ, thay vì cố gắng giao đấu, Lưu Thiện lại đưa ra quyết định bất ngờ, đó là mở cổng thành và tình nguyện đầu hàng. Lưu Thiện từ lâu được đánh giá là vô năng, vậy hành động này có phải là “ngốc” không?
Câu trả lời là không. Lưu Thiện không những không ngốc mà lại có phần nhạy bén và cơ trí. Tình hình lúc bấy giờ nếu có chiến đấu đến chết thì cũng khó giành phần thắng, hơn nữa nếu quân Tào Ngụy công phá được thành thì người dân Thục Hán nhất định sẽ bị tàn sát.
Để cứu những người dân vô tội, Lưu Thiện quyết định mở cửa thành đầu hàng, tự mình mang danh nghĩa nhu nhược nhưng lại cứu được tính mạng và tài sản của dân chúng. Tuy nhiên, hành động đầu hàng khiến Thục Hán diệt vong cũng khiến Lưu Thiện bị người đời chê cười, thậm chí cho rằng vị hoàng đế cuối cùng của Thục Hán quả thực vô năng.
Trên thực tế, Gia Cát Lượng đã hết lòng phò tá Lưu Thiện trong 11 năm trước khi qua đời vì sức cùng lực kiệt vào năm 234. Sau đó, lần lượt có Tưởng Uyển, Phí Y làm đại thần phụ chính cho Lưu Thiện.
Nếu Lưu Thiện không có năng lực thì liệu có thể tiếp tục làm hoàng đế trong 29 năm sau khi Gia Cát Lượng qua đời? Thậm chí Lưu Thiện còn là vị hoàng đế có thời gian trị vì lâu nhất trong Tam Quốc với 41 năm. Sau khi Gia Cát Lượng qua đời, Lưu Thiện đã bãi bỏ chế độ thừa tướng. Thay vào đó, vị hoàng đế cuối cùng của nhà Thục Hán đã lập ra hai chức vụ là Đại tư mã (phụ trách chính sự) và Đại tướng quân (phụ trách quân sự). Hai chức vụ này tuy không nắm đại quyền như thừa tướng Gia Cát Lượng nhưng có sự phân quyền và tách biệt rõ ràng.
Ngoài ra, Lưu Thiện còn cho dừng cuộc viễn chinh phương Bắc vì gây lãng phí nguồn lực quốc gia và tiền bạc của nhân dân.
Với tư cách là hoàng đế của Thục Hán, sự an toàn của Lưu Thiện đương nhiên gắn liền với an toàn của người dân Thục Hán. Do đó, nhìn rộng ra thì việc Lưu Thiện đầu hàng nhà Tào Ngụy thực chất là nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dân Thục Hán.
Hơn nữa, vì ‘thức thời’ nên Lưu Bị cũng nhận được sự đãi ngộ tốt từ phía quân Tào Ngụy. Cụ thể, ngay sau khi đầu hàng, thay mặt hoàng đế nhà Tào Ngụy, tướng quân Đặng Ngải đã phong cho Lưu Thiện làm Phiêu Kỵ tướng quân.
Sau đó, khi tới Lạc Dương, Lưu Thiện cũng được hoàng đế nhà Tào Ngụy phong làm An Lạc Công. Tuy nhiên, ban đầu, Lưu Thiện cũng luôn phải sống trong sự kiểm soát và đề phòng của Tư Mã Chiêu, con trai Tư Mã Ý, đồng thời là quyền thần lúc bấy giờ của Tào Ngụy.
Lý do người dân Thục Hán không tạo phản là gì?
Một lần Tư Mã Chiêu mở yến tiệc và mời Lưu Thiện đến tham dự. Trong bữa tiệc, Tư Mã Chiêu cố ý sắp xếp cho cung nữ múa điệu của nước Thục. Lúc bấy giờ, các quan đại thần của Thục Hán đều xúc động nhớ về cố hương. Tuy nhiên Lưu Thiện lại tỏ ra vui vẻ. Khi Tư Mã Chiêu hỏi Lưu Thiện có nhớ nước Thục không, Lưu Thiện cười nói: “Ở đây tôi vui, không còn nhớ gì đến đất Thục nữa“.
Lưu Thiện “giả ngốc” để thoát khỏi tình thế nguy hiểm bên đất Ngụy.
Câu trả lời ngô nghê, không có chí phục quốc của Lưu Thiện không ngờ lại thành công dẹp bỏ mối nghi ngờ, sự đề phòng của Tư Mã Chiêu. Màn “đại trí giả ngu” này của Lưu Thiện không những giúp ông thoát khỏi tình thế nguy hiểm mà còn bảo toàn tính mạng cho người dân Thục Hán.
Nếu như ông vua mất nước như Lưu Thiện có thể an toàn và sống sung sướng ngay trên đất Ngụy trong 8 năm thì đương nhiên người dân Thục Hán cũng không manh động mà tạo phản. Hơn nữa, một người cơ trí như Tư Mã Chiêu nắm đại quyền của Tào Ngụy lại càng không phải là người dễ đối phó.
Nếu không nhờ Lưu Thiện khôn ngoan “giả ngốc” ngay từ những ngày đầu thì có lẽ số phận của vị hoàng đế mất nước này cũng như người dân của Thục Hán chắc hẳn sẽ rất khó lường.
Đến năm 271, Lưu Thiện mất ở Lạc Dương, hưởng thọ 64 tuổi, con trai của ông được thừa hưởng tước vị An Lạc Công. Có thể nói Lưu Thiện là một trong số ít những ông vua mất nước “có hậu” nhất trong lịch sử khi vừa được sống an nhàn và con cháu cũng đều có chỗ đứng trên đất Ngụy.