Đến hẹn, 6/7 người đều có mặt từ sớm, riêng bà Yên chẳng thấy tăm hơi. Mọi người gọi gần chục cuộc điện thoại mà bà Yên không nghe. Sợ cấn cá trễ giờ nên cả nhóm đi ăn sáng, uống cà phê trước, 8h30 còn kịp lên xe dạo một vòng ngắm phố phường Hà Nội vào thu. Đến trước lúc xe khởi hành, cả nhóm mới nhận được tin nhắn của bà Yên xin lỗi vì việc đột xuất không thể tham gia. Lý do là bởi con dâu đi họp lớp, con trai cũng có việc ra khỏi nhà nên bà Yên đành phải ở nhà trông cháu cho các con.
Đọc tin của bà Yên xong, ai nấy đều ngán ngẩm, lắc đầu. Bà Bến trách bạn: “Đúng là tự thân làm tội đời khi biến mình thành người giúp việc vô điều kiện của con. Mà đã là người giúp việc thì làm gì có chuyện thích đi đâu thì đi”. Cả nhóm bất bình vì bà Yên thất hứa, càng thêm giận bà Yên cái tội “mua dây buộc mình”. Rõ ràng, cả nhóm đã lên kế hoạch từ trước, việc trông cháu bà hoàn toàn có thể trao đổi với các con để chúng chủ động vào ngày này. Mà nào công to việc lớn gì cho cam, đằng này, con dâu thì đi họp lớp, con trai cũng đàn đúm bạn bè…
Một thành viên trong nhóm chép miệng: “Thôi, đó là sự lựa chọn của bà ấy, từ lần sau, xác định đi đâu, chỉ có 6 người chúng mình thôi. Chứ năm lần, bảy lượt, lần nào bà ấy cũng không có lý do nọ thì lý do kia. Người ta không thích, mình cứ nài, mất hay”. Các ông bà khác đều gật gù đồng ý, thống nhất quan điểm không rủ bà Yên tham gia các cuộc tụ hội, vui chơi, gặp gỡ nhóm nữa.
Trong nhóm bạn thân của bà Bến, các thành viên gắn bó với nhau mấy chục năm nay, giờ đều đã ở tuổi 55. Hằng năm, ngoài ngày họp lớp, nhóm thường tổ chức đi chơi với nhau. “Trước đây còn trẻ, chúng tôi ai cũng bận con cái, trăm thứ phải lo nên có đận, phải 2-3 năm chẳng gặp nhau được một lần. Bây giờ con cái trưởng thành cả rồi, kinh tế đều ổn định, chẳng đến nỗi khó khăn nên chúng tôi muốn dành nhiều thời gian cho bản thân, cho bạn bè hơn”, bà Bến chia sẻ.
Bà Bến cho hay, nhờ có công nghệ, nhóm bạn thân của bà lập nhóm Zalo, nhóm “chat” trên messenger nên hầu như ngày nào cũng có sự kết nối. Trước bà Yên cũng tích cực tham gia các cuộc hội họp của nhóm lắm, thậm chí còn hay chủ động hô hào cả nhóm đi chơi. Nhưng rồi, từ khi con trai đầu lấy vợ, sinh cháu, bà Yên bỗng thành “con mọn” lần hai. Thương con, xót cháu, sau khi con dâu hết cữ đi làm, bà Yên xin về hưu sớm để trông cháu cho con. Kể từ đó, hầu như bà bỏ hết các cuộc gặp mặt bạn bè, chỉ quanh ra quẩn vào cháu với bếp. Nghe nói, sang năm vợ chồng con trai có kế hoạch cho đứa đầu đi mẫu giáo rồi sinh luôn một thể. Kiểu này, chả biết khi nào bà Yên mới rảnh rang.
Trong nhóm chơi với nhau, nào đâu chỉ mình bà Yên có cháu, bà Bến và một bà nữa cũng được lên chức bà gần năm nay. Thế nhưng, thay vì nhận việc trông cháu cho con, các bà chỉ hỗ trợ chúng lúc mình rảnh rỗi. Theo kinh nghiệm của bà Bến thì khi các con lập gia đình riêng, cha mẹ phải tỏ rõ quan điểm chỉ hỗ trợ các con trông cháu chứ không làm thay các con, để chúng chủ động có phương án lo cho gia đình nhỏ của mình.
“Thương con thương cháu cũng phải biết thương cho đúng cách. Cha mẹ hỗ trợ các con trông cháu chứ không nên vơ hết việc vào người. Làm vậy sẽ bị chúng ỉ lại, coi việc trông cháu nghiễm nhiên là của bà. Điều này dẫn đến việc các con thích đi đâu thì đi, đi lúc nào cũng được vì an tâm đã có bà trông cháu; còn bà thì chẳng dám đi đâu vì sợ mình đi thì cháu… bơ vơ”, bà Bến khẳng định quan điểm cá nhân.