Ngày nào nấu cơm, con dâu cũng lẩm bẩm vài câu giống hệt nhau, mẹ chồng vô tình nghe được quý như con gái

Hồi mới về làm dâu, ngày nào đứng nấu cơm, chị Huyền cũng lẩm bẩm điều gì đó. Bà Xoan quyết rình để xem con dâu lẩm bẩm điều gì.

Bà Bùi Thị Xoan (Sơn La) kể, cách đây hơn 10 năm, khi nghe con trai thông báo có bạn gái, câu đầu tiên bà hỏi con là: “Nó tuổi gì?”. Khi biết con dâu tương lai cầm tinh con mèo, trong khi con trai mình lại cầm tinh con chuột, bà phản đối ngay. “Mèo với chuột sống với nhau, mèo sẽ vồ chuột đấy con ạ!”.

Nghe mẹ nói vậy, nhưng anh Lương Văn Tuấn vẫn bỏ ngoài tai. Suốt thời gian yêu nhau 3 năm, anh chị bị gia đình cả 2 bên phản đối vì không hợp tuổi. “Mình được đưa về thăm gia đình anh ấy vài lần, cũng bị các cụ phán xét đủ kiểu” – chị Trần Thị Huyền, con dâu bà Xoan, nhớ lại.

Về phía gia đình nhà gái, bố mẹ chị Huyền cũng không hài lòng với con rể tương lai vì khi đó anh Tuấn chưa có gì trong tay, nghề nghiệp không ổn định.

Một lần, chị Huyền giận dỗi anh, đi thăm người quen cách nhà 20-30km. Anh Tuấn nhủ thầm “cố thuyết phục nốt lần này nữa, không được thì bỏ”.

“Ai ngờ, trên đường về, tức cảnh sinh tình. Đường núi mà, đẹp lắm!… Một thời gian sau, Huyền thông báo ‘hình như em có bầu’. Tôi mừng lắm, và nghĩ rằng có khi chính điều này sẽ kết nối hai bên lại với nhau”, anh Tuấn kể.

mcnd380b.jpg
Bà Xoan và chị Huyền chia sẻ về mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu hơn 10 năm của mình

Đúng như anh dự đoán, nhờ chị Huyền có bầu, bố mẹ anh đành tặc lưỡi cho cưới. “Ban đầu, ông bà bảo không hợp cả tuổi, không hợp cả mạng, bây giờ đành phải nói ‘thôi cũng hợp tướng’” – anh Tuấn hài hước kể.

Mẹ vợ anh, khi được báo con gái “ăn cơm trước kẻng”, bà thất vọng nói: “Sao chúng mày lại làm như thế?”. Anh đành đáp: “Con trót dại. Mẹ thông cảm, cho con xin cưới”.

Chị Huyền cho biết, trong thời gian chuẩn bị cho đám cưới, hai bên gia đình đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, tâm trạng không vui chỉ vì chưa thực sự hài lòng về nhau. Thậm chí, “không biết mẹ nghe phong thanh ở đâu chuyện tôi yêu người này, người kia. Thực ra, tôi chỉ có một mình chồng”.

Cuối cùng, sau rất nhiều “sóng gió”, đám cưới cũng được tổ chức. Chị Huyền về làm dâu khi thai đã được 3-4 tháng tuổi.

Bà Xoan vốn dĩ làm nông từ nhỏ tới lớn. Để nuôi 4 người con ăn học, bà nuôi gà, nuôi lợn, chăm sóc vườn cây ăn quả rộng 2ha. Bà làm lụng suốt ngày, luôn tay luôn chân. Nhưng từ khi con dâu về, bà biết con dâu không quen những công việc này nên bà chưa từng bắt con dâu phải ra ngoài nắng làm bất cứ việc gì nặng nhọc. Việc của chị chỉ là nấu giúp mẹ chồng bữa cơm.

Thời gian đầu có dâu mới, bà Xoan cũng để ý xem con dâu có khóc lóc hay tủi thân khi về nhà mình. Nhưng bà chỉ thấy, mỗi khi nấu cơm, con dâu hay lẩm bẩm gì đó. “Ngày nào nó cũng lẩm bẩm, nên tôi rình, để xem nó nói cái gì”.

Hóa ra, chị Huyền lẩm bẩm một bài thơ mà cho đến giờ bà Xoan vẫn còn nhớ:

“Có ai hiểu cho Huyền không?

Huyền yêu duy nhất mẹ chồng Huyền thôi! 

Mẹ tuy không đẻ, không nuôi  

Nhưng sinh ra được cho tôi người chồng

Nào là có phải sinh không? 

Cù lao nhẫn nhục dày công sinh thành

Cho nên Huyền phải hết mình

Khi mẹ đau yếu tận tình chăm lo”.

Bà Xoan tâm sự, bà nghe và nhớ bài thơ ấy đã hơn 10 năm nay nhưng phải đợi đến ngày lên sóng chương trình Mẹ chồng nàng dâu, bà mới thổ lộ với con dâu rằng, bà rất hiểu và thương con vì những gì con đã hi sinh và cố gắng.

Bà cũng ghi nhận, dù bây giờ không còn sống chung với bố mẹ chồng nữa, nhưng chị Huyền và anh Tuấn vẫn rất quan tâm, hiếu thuận với ông bà.mcnd380a.jpgMặc dù gia đình làm nông, nhưng từ khi chị Huyền về làm dâu, bà Xoan chưa từng để con phải làm việc gì nặng nhọc
Trong mắt chị Huyền, mẹ chồng luôn là người rất chu đáo, tháo vát. Bà không hay thể hiện tình cảm hay tâm sự với các con, nhưng bà hay minh chứng bằng hành động.

Ngày anh chị quyết định đi lập nghiệp ở một khu vực xa xôi, hẻo lánh, cách nhà 70km, bà là người ủng hộ anh chị nhiều nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. Người ngoài nhìn vào có thể thấy bà là người khó tính, nhưng với các con – cả con đẻ lẫn con dâu, con rể, bà đều chu đáo và hết lòng.

Anh Tuấn cho biết, hiện tại, vợ chồng anh đang đón bố sang nhà mình để chăm sóc sau khi ông bị tai biến. Vợ chồng anh cũng mở lời muốn đón bà Xoan vào cùng để tiện chăm sóc. Nhưng bà nói vẫn muốn ở nhà làm vườn vài ba năm nữa.

Anh chị biết, bà ở nhà một mình rất buồn. Nhiều khi bà tâm sự với các con mà bật khóc. Anh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn bà Xoan “hiểu cho tấm lòng của 2 vợ chồng con”.

“Mẹ không nên câu nệ, nghĩ rằng mình vẫn còn kiếm được tiền, còn tự lo cho mình được, sẽ làm cho khoảng cách giữa mẹ chồng, con dâu ngày càng lớn. Thấy mẹ ở nhà một mình, buồn, vất vả, hai vợ chồng con rất thương” – anh Tuấn bày tỏ.

Nghe con trai nói, bà Xoan rơi nước mắt. Bà nói lời cảm ơn con trai và con dâu đã hết lòng chăm lo cho bố trong lúc ông bệnh tật, đau yếu để bà được sống cuộc sống thư thả, bình an.

Anh Tuấn bộc bạch, việc vợ chồng anh được chăm sóc bố là điều anh rất tự hào. Đó cũng là cách anh làm gương, cho các con nhìn vào đó để sau này chúng biết cách đối xử với bố mẹ khi về già. “Tôi rất tự hào khi bây giờ, cháu lớp 5 có thể đút cháo cho ông, cháu lớp 8 thì tắm được cho ông. Các cháu đều làm những việc đó với thái độ vui vẻ, tự nguyện”.