Với hàng loạt những hành động phản trắc khiến cơ nghiệp Thục Hán nghiêng ngả, nhân vật này bị nhiều người xem là kẻ “vô sỉ” nhất thời Tam Quốc.
Thời đại Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa phong kiến vốn được biết tới là giai đoạn quần hùng tranh bá. Trong số đó, 3 thế lực sở hữu sức ảnh hưởng lớn hơn cả phải kể tới Tào Tháo, Tôn Quyền và Lưu Bị.
Theo nhận định của trang Sohu, nếu so sánh với Tào Ngụy hay Tôn Ngô, Lưu Bị và nhà Thục Hán dù có tiếng tăm tốt hơn, thế nhưng đa số các nhân vật cấp cao trong tập đoàn chính trị này lại phải chịu kết cục bi thảm, đặc biệt là bộ ba cốt cán Lưu – Quan – Trương.
Quan Vũ thua chạy Mạch Thành, bị Đông Ngô giết chết, Trương Phi cũng bị thuộc hạ mưu sát, Lưu Bị vì muốn báo thù cho hổ tướng mà vội vã đem quân chinh phạt Đông Ngô, cuối cùng chuốc lấy kết cục thảm bại ở Di Lăng, sau đó ôm hận mà chết tại thành Bạch Đế.
Thế nhưng ít ai biết rằng, tấn bi kịch của bộ ba cốt cán trong tập đoàn chính trị Thục Hán đều bắt nguồn từ một nhân vật. Đó chính là người bị mang danh là “vô sỉ” nhất Tam Quốc – My Phương.
Danh tính nhân vật “vô sỉ” nhất Tam Quốc: Vừa là thân tín, vừa là anh vợ của Lưu Bị
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
My Phương tự Tử Phương, là một viên quan lại Thục Hán phục vụ dưới trướng quân chủ Lưu Bị vào thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa.
Theo Bách khoa toàn thư Trung Quốc (Baike), gia tộc họ My nhiều đời làm ăn buôn bán lớn, gia sản vô cùng giàu có, người ở lên tới hơn mười ngàn.
Năm xưa, My Phương cùng theo người anh cả My Trúc làm thuộc hạ cho Từ Châu mục Đào Khiêm. Sau khi Đào Khiêm qua đời vào năm Hưng Bình thứ 2, hai huynh đệ họ My đã đi theo phò tá Lưu Bị.
Ông từng được xem là một trong những thuộc hạ thân tín nhất của Lưu Bị. Ngoài mối quan hệ quân – thần với Lưu Huyền Đức, My Phương trên danh nghĩa còn là anh vợ của vị quân chủ này.
Cụ thể, ông đã từng gả em gái cho Lưu Bị làm tiểu thiếp, người này chính là My phu nhân. Không chỉ dừng lại ở đó, gia tộc họ My còn viện trợ một phần không nhỏ tài lực – nhân lực để vị quân chủ họ Lưu kiến công lập nghiệp.
Về phần Lưu Huyền Đức, ông đối với người anh vợ này cũng xem như là hết tình hết nghĩa khi phong My Phương lên tới chức Tướng quân và rất mực tin tưởng, trọng dụng.
My Phương theo Lưu Bị nhiều năm, từng vào sinh ra tử với ông trong trận chiến tại Trường Bản. Thế nhưng theo nhận định của tờ báo nổi tiếng Trung Quốc Sohu, vị tướng quân họ My này từ trong cốt tủy vốn không có cốt cách của bậc quân tử.
Bởi ông đã từng có mưu đồ vu vạ cho Triệu Vân và cũng bị xem là kẻ khiến cơ đồ nhà Thục Hán điêu đứng khi đã gián tiếp gây nên cái chết của Quan Vũ, Trương Phi và cả Lưu Bị.
Đụng tới với Triệu Vân và cả Lưu – Quan – Trương, My Phương đã làm gì khiến cơ nghiệp Thục Hán nghiêng ngả?
Vu vạ cho Triệu Vân
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sử cũ không ghi chép nhiều về mối quan hệ của My Phương và Triệu Vân, thế nhưng có giai thoại truyền lại rằng, vị tướng họ My này đã từng dùng lời lẽ vu cáo cho Triệu Tử Long tội danh phản trắc.
Năm xưa trong trận chiến ở Đương Dương – Trường Bản, Lưu Bị không thể nào chống đỡ nổi trước sức mạnh của đội Hổ Báo kỵ thuộc phe Tào Tháo và chỉ còn cách đem quân trốn tới Giang Hạ.
Bấy giờ, Triệu Vân vì muốn cứu vợ con của quân chủ nên đã một mình xông vào núi Trường Bản, cuối cùng đem được Hậu chủ Lưu Thiện trở về.
Khi đó, không ít người cho rằng vị tướng họ Triệu đã hàng Tào nên mới có thể sống sót trở ra giữa vòng vây trùng trùng lớp lớp của quân địch. Bản thân My Phương khi đó thậm chí còn khẳng định chắc chắn với Lưu Bị rằng:
“Triệu Vân chắc chắn đã nương nhờ Tào Tháo rồi!”.
Thế nhưng mặc cho những lời vu cáo của anh vợ, Lưu Bị vẫn một mực tin rằng vị tướng họ Triệu nổi tiếng trung thành chắc chắn sẽ không phụ lòng mình.
Thực tế lịch sử cũng đã chứng minh, Triệu Vân chưa bao giờ đem lòng phản trắc đối với Lưu Bị và tập đoàn chính trị Thục Hán. Điều này đồng thời cũng cho thấy những lời vu vạ của My Phương cũng đã phần nào nói lên bản chất của nhân vật bị cho là “vô sỉ” nhất Tam Quốc này.
Tiếp tay hại chết Quan Vũ
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Khi Quan Vũ trấn thủ Kinh Châu, My Phương đảm nhiệm chức Thái thú Nam quận và trấn giữ ở Giang Lăng, Sĩ Nhân giữ thành Công An.
Quan Vũ vốn hay yêu quý sĩ tốt nhưng lại coi thường các sĩ phu. Vì vậy hai tướng My Phương và Sĩ Nhân vẫn thường đem lòng bất mãn.
Năm Kiến An thứ 24, Quan Vũ bắc phạt Tương Phàn, lệnh cho My Phương và Sĩ Nhân chuẩn bị quân tư. Vì hai người này không hoàn thành nhiệm vụ nên đã bị Quan Vân Trường cảnh cáo:
“Khi trở về ta sẽ trừng trị các ngươi”.
Trong khi vị tướng họ Quan đang mải mê đánh quân Tào thì Tôn Ngô đã phái Lã Mông đánh lén Kinh Châu.
Trước sự biến bất ngờ ấy, Phó Sĩ Nhân đã chủ động mở cửa thành Công An và đầu hàng. My Phương ở Giang Lăng ban đầu còn cố thủ chống đỡ, nhưng sau đó cũng nhanh chóng quy hàng trước quân địch.
Bấy giờ, Quan Vũ thua trận chạy về nửa đường mới biết Giang Lăng và Công An đã mất. Vị tướng họ Quan ấy vì vậy mà rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, cuối cùng thua chạy Mạch Thành, bị quân Đông Ngô bắt và sát hại.
Nếu My Phương không đầu hàng Tôn Quyền, Quan Vũ rất có khả năng sẽ không bỏ mạng trong tay Tôn Ngô. Vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng kết cục đầu lìa khỏi xác của Quan Vân Trường vốn là do một tay kẻ phản trắc họ My kia tạo thành.
Hành động phản bội của My Phương khi đó không chỉ khiến Thục Hán mất Quan Vũ, mất Kinh Châu mà còn trực tiếp khiến người anh ruột của ông là My Trúc vì hổ thẹn mà lâm bệnh qua đời chỉ chưa đầy 1 năm sau đó.Gián tiếp hại chết Trương Phi – Lưu Bị
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau cái chết của Quan Vũ, tập đoàn chính trị Thục Hán nhanh chóng chuẩn bị cho kế hoạch chinh phạt Đông Ngô nhằm đòi lại Kinh Châu và báo thù cho viên hổ tướng này.
Tuy nhiên sự ra đi đột ngột của viên tướng họ Quan đã khiến một vị tướng vốn nóng nảy như Trương Phi càng trở nên lỗ mãng và hà khắc.
Kết quả là vị tướng họ Trương ấy đã bị chính thuộc hạ dưới trướng mình là Trương Đạt và Phạm Cương sát hại, thủ cấp còn bị mang sang đất Ngô để xin hàng Tôn Quyền.
Biến cố cùng lúc mất đi 2 viên đại tướng cốt cán đã khiến cho Lưu Bị càng thêm nóng giận và hấp tấp muốn trả thù.
Thế nhưng kế hoạch chinh phạt Đông Ngô của vị quân chủ họ Lưu lại chuốc lấy thảm bại ở Di Lăng, khiến cho đội quân tinh nhuệ của Thục Hán tiêu tán chỉ trong chớp mắt.
Thất bại nặng nề này đã khiến Thục quốc suy tổn nguyên khí, đồng thời còn khiến cho Lưu Bị u uất, cuối cùng chỉ chưa đầy 1 năm sau đã qua đời ở Bạch Đế thành.
Như vậy từ biến cố ở Kinh Châu do My Phương gây ra, Thục Hán đã liên tiếp mất đi 3 nhân vật trụ cột. Đó chính là Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi.
Nếu không có sự phản bội trắng trợn của viên tướng họ My, Quan Vũ có lẽ sẽ không bị bắt giết, Trương Phi, Lưu Bị cũng sẽ không phải bỏ mạng một cách đáng tiếc vì sự hấp tấp và nôn nóng nhất thời như vậy.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Sau khi phản bội và khiến cho Thục Hán điêu đứng, My Phương đã tiếp tục con đường quan lộ của mình trên đất Tôn Ngô. Thế nhưng thân là một kẻ phản trắc, những gì mà viên tướng họ My ấy trải qua sau này cũng chẳng mấy vẻ vang.
Có giai thoại truyền lại rằng, năm xưa ông từng nhiều lần bị khai quốc công thần của nước Ngô là Ngu Phiền công khai mỉa mai, chỉ trích.
Có lần, My Phương cùng thuộc hạ đi thuyền xuất hành, vô tình đụng phải thuyền của Ngu Phiên. Người của My Phương vì muốn dọn đường cho chủ tướng nên đã lớn tiếng nói:
“Mau tránh ra cho thuyền của tướng quân chúng ta đi”.
Nào ngờ Ngu Phiên không hề nể mặt, nghiêm nghị đáp lại:
“Kẻ đã mất đi lòng trung thành thì dựa vào cái gì mà phụng sự quân chủ? Khiến cho người khác mất đi 2 thành trì, còn mình thì thành tướng quân, liệu có xứng đáng hay không?”.
My Phương nghe xong vô cùng xấu hổ, vội đóng cửa sổ trên thuyền rồi lùi lại để Ngu Phiền đi trước.
Lần khác, Ngu Phiền ngồi xe ngựa xuất hành và đi qua doanh trại của My Phương. Bấy giờ, vì nơi này không mở cổng thành nên xe ngựa chẳng thể đi qua, viên đại thần họ Ngu khi đó đã bất mãn mà nói:
“Cửa cần mở thì lại đóng, cửa cần đóng thì lại mở, lấy đâu ra chuyện nực cười như vậy?”.
Biết Ngu Phiền cố ý dùng lời lẽ để châm biếm mình năm xưa từng đầu hàng dâng thành và hại chết Quan Vũ, My Phương vẫn không dám cãi lại nửa câu.
Từ đó có thể thấy, thân là một phản trắc bán chủ cầu vinh, viên tướng mang tiếng “vô sỉ” nhất Tam Quốc ấy chẳng những phải chỉ chịu sự chỉ trích của người đời, My Phương còn bị chính những quan lại trong nội bộ Đông Ngô khinh nhờn ra mặt.