Theo sử sách, thái giám Lý Liên Anh (1848 – 1911) hầu hạ Từ Hi Thái hậu trong gần 53 năm. Nhờ thông minh, giỏi nhìn “sắc mặt” của chủ nhân nên hoạn quan này được Từ Hi tin tưởng, trọng dụng. Theo đó, Lý Liên Anh với quyền lực lớn trong tay đã gây ra không ít “sóng gió” trong hậu cung, thậm chí cả triều đình.
Khi Từ Hi Thái hậu còn sống, Lý Liên Anh có cuộc sống xa hoa, quyền lực và được nhiều người nịnh bợ. Thế nhưng, sau khi vị thái hậu này qua đời năm 1908, hoạn quan này mất chỗ dựa vững chắc. Vì biết lúc trước đã “đắc tội” không ít người nên sau khi hoàn tất hậu sự cho Từ Hi Thái hậu, Lý Liên Anh xin xuất cung. Lúc này, ông 61 tuổi.
Trong những năm tháng cuối đời, Lý Liên Anh sống ẩn dật. Không ai biết hoạn quan này sống ở đâu vì thân tín một thời của Từ Hi Thái hậu có tới 3 ngôi nhà ở trấn Hải Điến.
Do là thái giám lâu năm của nhà Thanh nên khi sắp qua đời, Lý Liên Anh xin triều đình cấp cho ngàn lượng bạc trắng tiền mai táng. Với số tiền này, ông cho người xây dựng một ngôi mộ bề thế ở Tây Nam Bắc Kinh, Trung Quốc.
Sau khi trút hơi thở cuối cùng vào năm 1911, Lý Liên Anh được chôn cất trong ngôi mộ đã chuẩn bị từ sớm. Nguyên nhân tử vong của ông đến nay vẫn là một bí ẩn lớn.
Vào năm 1966, ngôi mộ của Lý Liên Anh được các chuyên gia khai quật. Khi tiến vào bên trong, họ vô cùng kinh ngạc, thậm chí sốc khi nhìn thấy cảnh tượng bên trong.
Quan tài của thái giám Lý Liên Anh có màu đỏ tím, được chạm khắc hoa văn tinh xảo. Nó được đặt trên giường ngọc. Phía trên giường đặt quan tài được đúc bằng đá bạch ngọc và bên trong treo một hầu bao đựng ngọc cùng một ít tiền bằng đồng. Đây là kiểu mai táng “Kim tỉnh ngọc táng” – một hình thức an táng cao quý thời bấy giờ.
Khi mở nắp quan tài, nhóm chuyên gia thấy một thi hài ở bên trong. Thế nhưng, sau khi lật lớp chăn và các lớp quần áo, họ sốc khi thấy bên trong là một lớp bùn đen sì.
Theo các chuyên gia, ngoài hộp sọ, xương cốt của Lý Liên Anh bị phân hủy chỉ còn lớp bùn đen sì. Bên cạnh thi hài của thái giám này, họ tìm thấy một chuỗi tràng hạt và hơn 50 món kim ngân châu bảo được tùy táng.
Điều này cho thấy Lý Liên Anh được an táng khá xa hoa. Những ngọc ngà châu báu được chôn cùng hoạn quan này có thể chính là số của cải mà ông tích cóp được trong những năm tháng hầu hạ Từ Hi Thái hậu.